
(Bài của "Đỗ Nghĩa và các con" gửi cho blog lanbien)
Sài Gòn ít ngày nay sáng nào cũng se se lạnh để cho ai áo đơn áo kép. Miền Nam hiếm khi có cái lạnh thích thú dài ngày như năm nay, nhưng nghe báo nhiệt độ hàng ngày ở ngoài Bắc, nhất là ở vùng núi, là thấy hãi hãi. Lạnh như thế, vậy mà có bạn ở Hà Nội mỗi ngày mỗi bì bõm đi bơi, quá phục bạn ấy cái yêu thích và sự rèn luyện. Còn mẹ con nhà bạn kia đang ham muốn đi Nha Trang lặn biển. Ý muốn này thực hiện dễ thôi, ngay Tết này nghỉ tới tám ngày lận, có máy bay “công ty nhà làm được”, vé nội bộ bám càng vô Nha Trang, vừa tránh rét, rồi đi lặn biển luôn, thú vị lắm.
Một lần kể chuyện bác Quang, bác Minh ở “hội cà phê Đôi Khi” của ba, lớn tuổi mà lặn biển và nhảy dù giỏi lắm, có cấp bậc hẳn hòi mà nhảy dù từ trên máy bay xuống chớ không phải bay dù kiểu tàu kéo như Nhí đâu, nhà quê lắm. Con bé ngạc nhiên, là các bác tóc bạc nhất đó sao? Nhí nhỏ để bụng chuyện đó và ra biển bao giờ cũng đòi bay dù và lặn biển. Mấy nhỏ ở nhà cùng có chung nhiều thú vui với ba mẹ và rất yêu thích bơi lặn. Con nhà tông giống ba, biếng học ham chơi và lỳ còn hơn ba. Có máu sông nước nên bơi lội cũng lỳ như rái.
Một lần đi bay dù ở ngoài vịnh, lí do kĩ thuật làm sao không biết, bé con đang lơ lửng trên trời bỗng rớt tòm xuống biển. Cả người cả dù một đùm bì bõm dưới biển. Mọi người trên bờ hết hồn, còn hắn lỳ đòn, một mình vừa bơi vừa chờ ca nô cứu hộ từ bờ chạy ra. Thu dù, kéo dù, lên tới ca nô rồi hắn cười, tỉnh queo, còn giơ chéo hai ngón tay chữ V cười toe.
Theo dõi sự việc, lúc đầu thoáng lo lo, sau rồi thấy hắn bình tĩnh và tự tin hơn mình tưởng. Với các bé, nên tập cho các bạn ấy một thói quen bình tĩnh và tự tin để xử lí trong những tình huống bất ngờ, như một bài học kĩ năng sống vậy. Chơi với những trò chơi sông nước trước hết phải cho các bạn nhỏ học bơi cho kĩ.
Một lần ở Nha Trang, cha con rủ nhau đi lặn biển. Đi rồi, lặn rồi. Xuống lòng biển khơi mà nhìn ngắm một lần, là ai cũng ham lắm. Thế nào có dịp ra biển, nơi ấy mà có dịch vụ lặn là bạn nhỏ đòi đi cho được.
Có một hòn đảo mà đã từ lâu ông Trời đổ xuống đó những đống đá mun lốm đốm trên nền cây cỏ, bởi hình dáng vậy nên hòn đảo được mang tên là Hòn Mun. Nơi mọi người thường tới lặn là vùng biển ở gần đảo Hòn Mun này. Ở đây nước rất trong và xanh ngắt, biển sâu và có nhiều dải san hô ngắn.
Được xuống nước sau phần học lý thuyết chớp nhoáng về kĩ thuật thở bình hơi, cách “nói chuyện” dưới nước bằng tay, cách mang dây nịt, bình hơi và xử lí một số tình huống dưới biển. Tất nhiên là tay mơ nên có sỹ quan lặn đi kèm.
Phải công nhận mang trên người một mớ đồ chơi lỉnh kỉnh bình hơi mấy chục kí lại đeo thêm dây nịt bằng chì nên lúc đầu xoay trở thấy nặng nề, khó chịu. Tuy nhiên khi xuống nước, lực đẩy của nước biển cân bằng lại và một hồi là quen. Việc hít thở bằng miệng từ bình ô xy chậm hơn một tí. Ai cũng quen hít thở bằng mũi nên phải tập trung tư tưởng, lỡ quên đi, thở bằng mũi là mất nhịp, hụt hơi một tí và dễ bị cuống khi ở dưới nước.
Lượt đầu lặn xuống để làm quen với bộ đồ lặn kềnh càng, khi lên xuống nhịp nhàng rồi là thấy ham liền. Lượt hai trở đi xuống sâu dần, lâu hơn và khám phá đáy đại dương với rất nhiều bí ẩn và hấp dẫn.Thoáng thấy đâu đó một chú Hải quỳ sáng trắng như tuyết, uốn lượn mềm mại. Từ đáy biển, từng đụn san hô đẹp đẽ vươn lên như những cây nấm nhiều kích cỡ, ta thú vị mơn trớn vuốt ve những xúc tu san hô mềm mại đang ngoe nguẩy làm cho chúng giật mình co lại, giấu đi những bông hoa sắc màu. Những chú cá con bơi lăng xăng, cùng với san hô, hải quỳ tạo nên bức tranh biển hình dáng và màu sắc kì thú. Ai đó thích lặn biển lại yêu chụp hình thì sắm cho mình một máy chụp dưới nước, chắc chắn sẽ có được những bức ảnh dưới lòng biển khơi sống động tuyệt vời.
Đọc bài bên nhà hàng xóm biết được có nhiều bạn yêu thích bộ môn bơi lội nên "tám" tí chuyện lặn biển cùng các bạn mình đọc chơi. Và các bạn, nếu có dịp đi biển, hãy lặn thử chơi một lần để khám phá lòng biển khơi, sẽ thấy hấp dẫn và đầy lý thú.