Anh Hận, sinh năm 1960, người làng Bắc Thắng, bị “biển ép” tại Phan Thiết năm 1997. Vợ chồng anh đã dắt díu nhau đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng vận may vẫn không mỉm cười trước đôi chân bị liệt của anh. Năm 2001, khi anh được Giáo sư Nguyễn Tài Thu châm cứu và khám bệnh chỉ rõ nguyên nhân của bệnh thì hy vọng phục hồi đôi chân cho anh hoàn toàn tắt ngấm.
Theo Giáo sư, do sức ép của nước biển quá lớn đã làm cho cơ chân của anh bị giãn ra, ép vào tủy và các mạch máu bị tắc không thể lưu thông đi nuôi các tế bào. Nếu như bệnh nhân bị teo cơ thì có thể châm cứu hồi phục một phần hoặc toàn phần, còn bệnh nhân bị giãn cơ hiện chưa tìm ra phương pháp điều trị, chỉ còn cách tập vật lý trị liệu. Nghe lời, anh chị mỗi ngày hai buổi dìu nhau dặt dẹo trên bãi cát trước nhà, và nay anh đã đi lại được với sự trợ giúp của đôi nạng gỗ.
Kinh nghiệm của anh hiện đang được anh Hương, cũng bị “biển ép”, áp dụng khá hiệu quả. Khi chúng tôi đến thăm, anh Hương đang tập tễnh tập đi bằng cách men theo một cây tre lớn chạy dọc nhà. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả với những người bị “biển ép” nhẹ.
UBND xã Kỳ Xuân cho biết: Xã có 8 thôn thì có 6 thôn làm nghề biển và 2 thôn thuần nông. Mặc dù số dân làm nghề ngư chiếm đa số, nhưng do vị trí của xã nằm trên bãi ngang không thể đầu tư đánh bắt xa bờ, chỉ khai thác ven bờ không hiệu quả. Nghề lặn biển vì vậy trở thành nghề chính của người dân làng biển. Mỗi năm ba lượt ứng với mùa sò đẻ, người dân Kỳ Xuân lại kéo nhau về phương Nam, lặn thuê cho các chủ tàu. Mỗi chuyến đi từ 1,5 đến 2 tháng, trung bình mỗi người thợ lặn mang về từ 7 đến 10 triệu đồng. Mỗi đợt có từ 800 đến 1.200 lượt người đi lặn thuê, nên số tiền mang về quả là không nhỏ đối với một xã nghèo như Kỳ Xuân.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, xã đã có gần 100 người bị “biển ép”, trong đó có hơn 40 người chết, số còn lại bị tàn phế suốt đời. Nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro là vì thợ lặn không được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết. Hầu hết rủi ro xảy ra khi người thợ lặn gặp sự cố ở dưới đáy biển, hoặc là không kịp tháo túi chì để thoát thân, hoặc khi lên bờ quá đột ngột làm cho áp suất thay đổi quá nhanh nên cơ thể không kịp thích ứng. Khi rủi ro xảy ra, thợ lặn hoàn toàn chịu trách nhiệm, chủ tàu thương thì giúp, không thì thôi, vì giữa chủ tàu và người lao động không hề có một văn bản ràng buộc nào, ngoài thỏa thuận mức ăn chia lợi nhuận bằng miệng. (hết)
(Chủ đề: Tin tức và cuộc sống)
3 nhận xét:
Do người viết (báo chí) không phải là dân lặn nên có một vài chi tiết không sát với kĩ năng lặn. Tuy nhiên, đây là bài kể lại những cái mà tác giả đã nhìn tận mắt, nghe tận tai, đã thực sự cảm thông với những kẻ phải kiếm sống bằng một nghề đầy rủi ro.
Những tai nạn này có thể nói là do thiếu hiểu biết. Phương tiện có thể rất hạn chế, nhưng nếu có những kiến thức căn bản vể những nguy cơ khi lặn biển thì những ngư dân này vẫn có thể hạn chế được nhiều rủi ro không đáng có.
AMk3 nói đúng, tuy thiếu những thiết bị tối thiểu (một điều rất khó chấp nhận) nhưng nếu thợ lặn có những kiến thức cơ bản và nếu tuân thủ những quy định đó thì sẽ hạn chế được rủi ro, trong đó chủ yếu là phòng ngừa căn bệnh DCS ("bệnh thợ lặn").
Tuy nhiên, thật đáng buồn, cũng giống như nhiều ngành sản xuất khác, do áp lực về năng suất lao động (chủ yếu từ phía người lao động) nên thường người lao động bỏ qua những kỹ năng an toàn, ví dụ họ nổi lên quá nhanh, không dừng giải áp. Họ chỉ "tái giải áp" sau khi đã lên thuyền và đã bị choáng, tức là "dìm" "bệnh nhân" xuống độ sâu và "ngâm" tại đó một chập.
Trong ngành gia công cơ khí cũng có "triệu chứng" như vậy: Máy đột dập được thiết kế 2 nút ấn, chỉ khi ấn đồng thời 2 nút thì búa mới đập xuống đe. 2 nút ở vị trí mà thợ phải dùng 2 ngón tay của 2 bàn tay mới ấn được. Nói cách khác, búa chỉ có thể đập xuống khi 2 bàn tay đã ở ngoài khu vực nguy hiểm. Đó là cách phòng ngừa bằng biện pháp kĩ thuật. Nhưng, để tăng năng suất, thợ bèn "chêm" 1 nút để được rảnh 1 tay (chỉ việc ấn 1 nút là búa dập xuống). Tay rảnh sẽ làm được việc khác, tức sẽ có thêm "cơ hội" đưa bàn tay vào khu vực nguy hiểm.
Tui đã vài lần xử lí trường hợp này: bàn tay nằm lại trên đe, dẹp lép như miếng bánh tráng Trảng bàng.
Nghĩ vừa thương lại vừa giận nạn nhân.
Đăng nhận xét