Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Tên các cơn bão nhiệt đới


Ở một đất nước trải dài dọc theo bờ biển như Việt Nam thì khái niệm bão với lũ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Mỗi năm nước ta đón nhận cả chục cơn bão, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Thuở nhỏ, tôi chỉ biết đến bão qua những con số, nhưng khi sang bên Nhật thì lại chỉ nghe nói về bão qua những cái tên. Và những năm ở Nhật đó (2002-2009) tôi bắt đầu nghe truyền thông nước nhà đề cập đến bão bằng cả số lẫn tên, như bão Chanchu (bão Số 1 năm 2006). Lúc đó tôi cũng đã thấy hơi lạ khi có những cái tên bão rất Việt Nam như bão Saomai nhưng lại chẳng ảnh hưởng tới nước ta (nên cũng không được đánh số ở VN).

Đến bây giờ, khi tìm hiểu kỹ lại thì tôi mới biết rằng "Từ ngày 1-1-2000, 14 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương góp tên chính thức gọi bão." (theo thoitiet.net). Và từ đó thì các cơn bão ở biển Đông nói riêng và vùng Tây bắc Thái Bình Dương nói chung mới có tên quốc tế thống nhất được đặt một cách tuần tự theo danh sách được đề cử từ 14 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, bảng tên quốc tế gồm 5 cột 28 dòng (mỗi nước có 2 dòng x 5 cột = 10 tên) như sau:
Đóng góp bởi Cột 1 Cột 2 Cột 3 Cột 4 Cột 5
Cambodia Damrey Kong-rey Nakri Krovanh Sarika
China Haikui Yutu Fengshen Dujuan Haima
DPR Korea Kirogi Toraji Kalmaegi Mujigae Meari
HK, China Kai-tak Man-yi Fung-wong Choi-wan Ma-on
Japan Tembin Usagi Kammuri Koppu Tokage
Lao PDR Bolaven Pabuk Phanfone Champi Nock-ten
Macao, China Sanba Wutip Vongfong In-fa Muifa
Malaysia Jelawat Sepat Nuri Melor Merbok
Micronesia Ewiniar Fitow Sinlaku Nepartak Nanmadol
Philippines Maliksi Danas Hagupit Lupit Talas
RO Korea Gaemi Nari Jangmi Mirinae Noru
Thailand Prapiroon Wipha Mekkhala Nida Kulap
U.S.A. Maria Francisco Higos Omais Roke
Việt Nam Son-Tinh Lekima Bavi Conson Sonca
Cambodia Bopha Krosa Maysak Chanthu Nesat
China Wukong Haiyan Haishen Dianmu Haitang
DPR Korea Sonamu Podul Noul Mindulle Nalgae
HK, China Shanshan Lingling Dolphin Lionrock Banyan
Japan Yagi Kajiki Kujira Kompasu Washi
Lao PDR Leepi Faxai Chan-hom Namtheun Pakhar
Macao, China Bebinca Peipah Linfa Malou Sanvu
Malaysia Rumbia Tapah Nangka Meranti Mawar
Micronesia Soulik Mitag Soudelor Rai Guchol
Philippines Cimaron Hagibis Molave Malakas Talim
RO Korea Jebi Neoguri Goni Megi Doksuri
Thailand Mangkhut Rammasun Atsani Chaba Khanun
U.S.A. Utor Matmo Etau Aere Vicente
Việt Nam Trami Halong Vamco Songda Saola


Dựa vào bảng trên, các cơn bão được đặt tuần tự theo từng cột từ trên xuống, từ trái sang phải, liên tiếp qua các năm, và quay trở lại dòng 1 cột 1 khi hết bảng. Bắt đầu từ năm 2000, các tên sẽ được lấy tuần tự trong Cột 1 từ trên xuống, Damrey đến Soulik; Sang năm 2001, lại lấy tiếp từ Cimaron đến Trami, hết Cột 1 thì quay lên đầu Cột 2, từ Kong-rey đến Vamei (nay là Peipah);... Đến giữa mùa bão năm 2005 thì xài hết bảng (bão Saola 2005) rồi quay lại đầu bảng (bão Damrey 2005);... Đến năm nay 2012 thì bắt đầu từ Pakhar, Sanvu ở Cột 5,... lại hết bảng (bão Saola 2012) và lại quay về đầu bảng (bão Damrey 2012)...

Thực ra, bảng tên này không cố định (bảng trên là bảng dành cho năm 2012), mà sau mỗi mùa bão, người ta sẽ lọc ra những cơn bão lớn hoặc gây tổn thất nghiêm trọng để rút tên ra khỏi bảng cho nó được "lưu danh thiên cổ" và thay thế bằng tên khác. Có một điều thú vị là do tính ngẫu nhiên của thời tiết mà rất nhiều cơn bão có tên do nước này đóng góp nhưng lại "lưu danh thiên cổ" trên lãnh thổ của nước khác:
  • Saomai (Việt: hành tinh Sao Mai, Sao Kim) đổ vào Trung Quốc, thay bằng Son-Tinh (Việt: thần núi Sơn Tinh);
  • Durian (Thái: trái sầu riêng) quét qua Philippines và Việt Nam, thay bằng Mangkhut (Thái: trái măng cụt);
  • Rusa (Mã Lai: con hươu, nai) đổ vào Hàn Quốc, thay bằng Nuri (Mã Lai: một loài vẹt ở Malaysia);
  • Nabi (Hàn: con bươm bướm) đổ vào Nhật Bản, thay bằng Doksuri (Hàn: chim đại bàng, diều hâu);
  • Vamei (Hoa: chim hoét 畫眉) quét qua Malaysia, thay bằng Peipah (Hoa: một loài cá cảnh ở Macao);
  • Pongsona (Hàn: một loài hoa thơm ở Bắc Triều Tiên) quét qua đảo Guam (của Mỹ), thay bằng Noul (Hàn: vầng hồng trên bầu trời).


Ngoài hệ thống tên trong bảng trên, mỗi cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương cũng được gán một mã số theo định dạng YYNN, với YY chỉ năm mà bão phát sinh và NN là số thứ tự của nó trong năm. Và lưu ý là số thứ tự NN này là thứ tự bão hằng năm trong toàn khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, khác với số thứ tự bão hằng năm ở nước ta chỉ được đánh cho những cơn bão đi vào vùng ảnh hưởng đến Việt Nam (biển Đông). Hơn nữa, nhiều cơn bão ảnh hưởng đến Philippines cũng được Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) đặt tên theo hệ thống riêng của họ. Ví dụ, bão Vicente 2012 có mã 1208 là cơn bão thứ 8 trong khu vực được đặt tên quốc tế trong năm nay, cũng là bão "Số 4" tức cơn bão thứ 4 ảnh hưởng đến nước ta năm nay, và có tên Philippines là Ferdie. Sự khác biệt của các hệ thống tên và số trong khu vực cũng gây nhiều phiền toái: Những cơn bão không ảnh hưởng đến Việt Nam thì không có số (VN) nên phải dùng tên quốc tế, như cơn bão Saola được đề cập đến trong chuyến khảo sát biển vừa rồi; Ngược lại, những cơn bão nhỏ ở vùng Biển Đông có khi được VN đánh số nhưng lại không có tên quốc tế (chỉ coi là áp thấp nhiệt đới).

Ngoài khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương ra, chỉ có khu vực Bắc Ấn Độ Dương là có bảng tên bão được cấu trúc một cách tương tự: các tên bão được đóng góp bởi nhiều quốc gia, thường không phải tên người và xếp thứ tự theo tên quốc gia chứ không phải theo tên bão. Còn lại thì hầu hết các vùng biển khác đều có bảng tên bão được đặt theo tên người và xếp thứ tự theo tên bão. Hầu hết các bảng tên đều có luật "rút tên" để "lưu đanh thiên cổ", nhưng ở vùng Ấn Độ Dương (Bắc Ấn Độ Dương và Tây Nam Ấn Độ Dương) thì tên bão không lặp lại nên không có luật "rút tên"!


________________________________

Tài liệu tham khảo:

- Bảng tên bão dùng cho vùng Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa)
- Danh sách các tên bão đã "nghỉ hưu" trong vùng Tây Bắc Thái Bình Dương
- Các bảng tên bão trên thế giới
- [VOV] Tên các cơn bão được đặt như thế nào?
- [thoitiet.net] Bão và mấy điều cần nhớ
- Thông tin hiện tại về bão, từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản
- Danh sách các mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương

Không có nhận xét nào: