Ngay sau khi đi chiến dịch Vùng Vịnh về, tôi bắt đầu tìm kiếm các điểm lặn gần nhà, và nghĩ ngay tới khu vực Hồ Đá ở Làng Đại học QG. Nhưng tai tiếng về những "con ma nuốt người" ở đó đã khiến tôi từ bỏ ý định giới thiệu Hồ Đá với mọi người (nên đã đáp lại lời kêu gọi "Khi không lặn Scuba, hãy Free Dive!" của chú AMk3 bằng 2 chữ "vô vọng"). Tuy nhiên sau quá trình luyện tập các kỹ thuật lặn vo trong hồ bơi với mọi người rồi áp dụng chúng vào thực tế trong chuyến khảo sát biển vừa rồi, tôi đã quyết định tiến quân ra Hồ Đá để đưa nó ra ánh sáng. Thế là Thứ Hai tuần trước (27/8), tôi cùng TchyA đã thực hiện chuyến khảo sát Hồ Đá đầu tiên và không ngờ là nó đã thành công ngoài cả sự mong đợi. Trước khi đi, tôi chỉ mong cho nước đừng quá đục, có độ sâu, và có địa hình đa dạng, nhưng đến nơi thì thấy là nó còn có cả những đám rong phủ dưới đáy cũng như những cọng rong vươn lên gần mặt nước cùng những con cá to cá nhỏ thú vị có thể so sánh với biển khơi.
Điểm mặt những con ma
Khu vực Hồ Đá trong khuôn viên Làng ĐHQG TP.HCM gồm 5 hồ lớn và nhiều hồ nhỏ, vốn là những hầm khai thác đá của công ty 612 (thuộc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6) từ trước 1975. Khi Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp quản vùng đất này thì các hầm đá bỏ hoang đã tích trữ nước mưa cùng nước ngầm tạo nên các hồ đá. Trong đó, nổi tiếng nhất là hồ Đá Lớn (còn gọi hồ Lớn, hồ Đá, hồ Tử Thần) nằm đối diện Nhà khách ĐHQG, là hồ lớn nhất trong 5 hồ (khoảng 800m x 400m). Loại trừ những chuyện ma phản khoa học như "con ma dưới lòng hồ kéo xuống" hay "dòng nước xoáy" (giữa hồ nước đứng), tôi đã thử vạch mặt 2 "con ma" có vẻ hợp lý là "làn nước lạnh do vách đá" và "những vách đá ngầm dựng đứng".
- Làn nước lạnh? Hoàn toàn không có làn nước lạnh, cũng không có phân tầng nhiệt độ (thermocline) ít nhất là cho tới độ sâu 10 mét. Sợ nước lạnh nên tôi đã mang theo wetsuit nhưng không dùng tới. Nếu ở ngoài biển Nha Trang có 2 làn nước lạnh (phân tầng nóng/lạnh) rõ rệt ở khoảng 3-5m và khoảng 8-10m thì ở đây nước ấm đều như trong hồ bơi khiến cho tôi và TchyA lặn xuống mà không biết mình đang xuống sâu bao nhiêu, chỉ khi quay lên mới biết là đã xuống quá sâu! Như vậy, việc không có làn nước lạnh, ngược lại, trở thành mối nguy hiểm cho người lặn không có dây tiêu (lần sau đi chắc chắn phải có dây tiêu được đánh dấu độ sâu).
- Vách đá ngầm? Có rất nhiều vách đá ngầm từ vị trí ít nguy hiểm (ở ngoài xa) đến rất nguy hiểm (ngay sát bờ). Ở mũi đá dựng lộ thiên thì lại có thềm đá xung quanh chỉ sâu khoảng 3m, ra khá xa mới có vách đá ngầm, nên vùng này không nguy hiểm lắm (nhờ bản năng cảnh giác trước vách đá cheo leo). Nhưng bên trái mũi đá dựng, cách một mô đất là một bãi cỏ phẳng ra tới mặt hồ nước xăm xắp cứ như "bờ ao nhà", ai ngờ ngay bên dưới đó là một vách đá thẳng đứng xuống thềm đá sâu 5 mét, thật vô cùng nguy hiểm. Đó là nguy hiểm cho người trên bờ. Còn nguy hiểm cho người lặn dưới hồ là những vách đá ngầm xa bờ có thể cao đến vài chục mét. (Tham khảo cảnh chụp một hầm đá ở xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa với những vách đá dốc đứng đi thẳng xuống đáy ở hình bên.)
- Bóng tối lòng hồ! Còn một "con ma" nữa, không phải đối với dân trên bờ hay bơi lội trên mặt mà đối với dân lặn, đó là bóng tối ở những vùng nước sâu. Nếu ở gần bờ, rong tảo dưới đáy cạn (5m đổ lại) tạo màu xanh lục cho nước, thì ở xa bờ, khi vượt qua những vách đá ngầm sâu, ba bề là một màu đen thăm thẳm, chỉ còn hướng lên trên là có ánh sáng mà thôi. Thực ra chỉ do quá sâu và xa xung quanh không có thứ gì phản chiếu ánh sáng nên ta mới thấy tối tăm vậy thôi chứ ánh sáng vẫn còn xuống đủ. Khi xuống 10 mét, tôi đã thử đưa bàn tay ra xa để kiểm tra và thấy rất rõ, mặc dù xung quanh và bên dưới hoàn toàn đen thui. Con ma này hẳn sẽ bị xé toạc bởi một sợi dây tiêu thọc thẳng từ trên xuống, cùng với một chiếc đèn pin (ánh sáng sẽ thực sự yếu đi khi xuống cỡ 20-30m).
Cảnh tiên cho dân lặn
Ở bãi xuống bên phải mũi đá dựng là cả một thảm rong sợi mọc từ dưới đáy 2-3m vươn lên tới gần mặt nước, người bơi trên mặt có thể thoải mái ngắm nhìn chúng cùng những con cá ẩn khuất trong đó. Đi dọc bờ sang phải hơi xéo ra ngoài (theo đường xe chạy xuống hầm đá cũ) là một thảm rong bò sát đáy thú vị không kém san hô khối. Đây là một triền dốc vừa thoai thoải vừa có rong đẹp rất thích hợp với người mới tập lặn.
Ở bên trái mũi đá dựng có vách đá ngầm ngay sát bờ, là nơi lý tưởng cho người lặn có kinh nghiệm để luyện tập lặn vách đá (wall diving) với độ cao vừa phải (5 mét).
Hẳn còn nhiều địa hình và phong cảnh thú vị khác đang đợi chúng ta khám phá ở những lần khảo sát tiếp theo.
Kế hoạch cho kỳ tới
Tôi đã chuẩn bị hệ thống cờ hiệu, phao tiêu & dây tiêu để kỳ sau khảo sát chi tiết địa hình ở hồ Đá Lớn. Lần sau cũng sẽ mang camera theo để chụp hình và quay phim làm tư liệu. Và đặc biệt là sau khi điểm mặt được những con ma qua lần đầu khảo sát, tôi và TchyA đã đề ra ý tưởng cho một kế hoạch dài hạn là nhóm mình sẽ vừa tập lặn vừa khảo sát chi tiết địa hình ở đây để đề nghị với Ban quản lý ĐHQG dựng những bảng cảnh báo có thông tin hữu ích đúng nơi đúng chỗ thay vì chỉ "CẤM mà chẳng rõ tại sao cấm" như hiện tại.
7 nhận xét:
Dạo này sức viết của ComputerBoy dồi dào nhỉ?! Trong vòng 2 tuần mà đã đóng góp cho blog đến 6 bài viết khá chi tiết và thú vị.
Về hồ Đá ở làng ĐH, thú thật thì trong lần khảo sát tuần trước với ComputerBoy, TchyA cũng hơi lo, phần vì những "giai thoại" thêu dệt xung quanh hồ này, phần vì từ trước đến nay chưa bao giờ lặn hồ. Vì vậy dù có thể bơi liên tục vài km ở hồ bơi và giữ nổi không phao ở biển vài tiếng, nhưng TchyA cũng không dám chủ quan.
Nhưng khi lặn khởi động một vài lần thì TchyA bắt đầu tự tin hơn, các kỹ năng luyện tập trước giờ có cơ hội phát huy tác dụng làm mình an tâm hơn. Cảnh quan dưới nước cũng khá sinh động (mặc dù so về độ trong và độ đa dạng sinh vật thì không thể bằng lặn biển) làm mình thấy thích thú.
Tuy nhiên, do chỉ mới khảo sát 1 lần, ở độ sâu chỉ khoảng 5m - 10m, và chỉ ở một vài vị trí trong hồ, nên TchyA nghĩ chưa thể kết luận gì nhiều về những "con ma" mà ComputerBoy đã xác định. Cần có thời gian khảo sát nhiều và chi tiết hơn. Đối với TchyA thì lặn ở những địa điểm thế này là một cơ hội để chiến thắng những nổi sợ tiềm ẩn trong bản thân.
À, mà gần đây báo chí đăng tin về "amip ăn não người", không biết đây có phải là một "con ma" mới ở hồ Đá không ta?
Thông tin hấp dẫn quá, cần sớm tổ chức lặn khảo sát tiếp đi, tui cũng muốn tham gia. tình hình là hiện nay về trang bị của các thành viên cũng đã tạm hoàn chỉnh, có đủ fins, mask, đai chì, torch, máy quay dưới nước. Có thể tự chế phao tiêu bằng ruột xe hơi và dây dù. Dề nghị Computerboy chủ động lên kế hoạch.
Công nhận blog lặn biển mỗi ngày mỗi phong phú và có chất lượng. Bravo các chú và các anh!
AoE mà đi hồ Đá thì tình nguyện ôm phao bơi trên mặt hồ, giữ đồ cho mọi người.
Báo chí có nói nhiều về ba cái hồ ma ở Đông hòa - Dĩ an - Thủ đức, được mang danh là Hồ Đá, Hồ Hoang, Hồ Lạnh.
Dĩ nhiên báo chí nói là không có ma rồi, nhưng lí giải là (như ComputerBoy đã liệt kê) do nước bị phân thành 3 tầng rõ rệt theo nhiệt độ, có nhiều hang hốc ngầm, dưới đó tối tăm "ẩm thấp", tóm lại bơi ở đó trước sau gì rồi cũng ... hi sinh.
Báo chí nói hồ ma có điểm sâu tới 60 mét ; có mạch nước ngầm chạy ra chạy vô. Hồ ma đã "điểm mặt" 60 sinh viên rồi. Báo chí có dẫn lời ô.Trọ - "dân chài 12 năm trực chiến" tại Hồ Đá, người đã trên 3 lần tham gia cứu hộ ở đây - xác nhận về các thông số nêu trên.
Do đó, việc khảo sát đợt 1 của ComputerBoy và TchyA đã cung cấp cho bá tánh nhiều thông tin có giá trị cho "đại cục".
Dĩ nhiên Hồ không thể an toàn như hồ bơi thi đấu 8 luồng (2,5 mét/luồng), sâu 2 mét, dài 50 mét (sai số dương 3cm), nhưng cũng không "thần sầu" như báo chí nói.
HCQuang
Em ngưỡng mộ mấy a quá. E đang đc học quân sự ở gần Hồ Đá và có dịp chiêm ngưỡng nó. Thật sự là rất đẹp đó mấy a! Tuy e k thể bơi vài cây hay đứng nước vài tiếng như a TchyA, e thật sự rất muốn 1 lần đc chinh phục bề rộng của nó. Nhìn vẻ đẹp và mặt nước của nó thật quá cuốn hút! Mấy a có thể cho e lời khuyên j trước khi cbi và bơi qua hồ k ạ? E cảm ơn mấy a rất nhìu.hihi. nhân tiện đây e xin nói e cao 1m62 nặng 48kg hihi. Nick e là kay_9x@yahoo.com
Chào bạn Nặc danh,
Mình thành thật khuyên bạn không nên tự mình chinh phục Hồ Đá nếu chỉ vì "vẻ đẹp và mặt nước của nó thật quá cuốn hút". Bạn lại càng không nên thử bơi qua "bề rộng của nó" nếu chỉ vì đọc những thông tin trên blog này mà chưa được trang bị những kỹ năng về bơi lội và lặn cần thiết.
Nếu bạn có hứng thú với việc bơi lội và lặn biển. Nhóm scuba và freediving hoàn toàn hoan nghênh bạn tham gia cùng tập luyện.
Các hoạt động ở nơi nước sâu đều tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi phải có kiến thức và kỹ năng, đồng thời tuân thủ các quy tắc an toàn và sự hỗ trợ của bạn đi cùng có kinh nghiệm.
Mong bạn suy nghĩ chính chắn và sáng suốt. Con người chỉ thật sự tư do hơn khi có kiến thức...
Mời bạn kay_9x (Nặc danh) thảo luận ở diễn đàn: Bơi qua Hồ Đá?!
Đăng nhận xét