- Lặn địa hình & lặn dòng chảy: Từ khi khái niệm "lặn địa hình" được dive master Hùng giới thiệu trong chiến dịch Vùng Vịnh vừa rồi, nhóm lặn nói chung và mình nói riêng có thêm một thú vui mới khi xuống dưới biển. Và trong suốt chuyến khảo sát vừa rồi, mình lại càng bị "nhiễm" thêm cái khái niệm này với ấn tượng khó quên về những tảng đá sừng sững trước mặt, cảm giác len lỏi trong không gian ba chiều của những khe đá, và khi treo mình bên những vách đá dựng đứng cheo leo... Những địa hình thú vị đã gặp vừa qua thì mình chỉ kịp lưu vào ký ức, đến cuối cùng khi ra Nha Trang, mình mới tranh thủ quay một clip ngắn để demo (làm mẫu) cho khái niệm mới này.
Còn lặn dòng chảy (drift diving) thì mình đã được biết đến qua khoá học lặn bình hơi (scuba) rồi, nhưng đến lần này mình mới được thực hành... với lặn tự do: lặn tự do theo dòng chảy - drift freediving! Kết hợp với kiến thức về các dòng gần bờ (dòng dọc bờ và dòng rút) mà mình đã chuẩn bị trước chuyến đi, lần này mình đã có thể khảo sát cả những rạn san hô dài hơn nửa cây số trong làn nước lạnh cóng, với chiến lược "xuống một chỗ, xuôi theo dòng nước, lên một chỗ khác". - Bơi kiểu cá heo - cách dùng chân nhái hiệu quả trên mặt nước: Snorkeling, hay "lặn" ống thở, là món mình từng ghét nhất, một là không thích cái ống thở, và hai là vẫy chân luân phiên (như bơi trườn sấp) với chân nhái trên mặt nước là hết sức kém hiệu quả. Để vẫy chân hiệu quả thì chân nhái phải chìm hẳn xuống nước và buộc người bơi phải chìm nửa người dưới hoặc phải cong chân gập gối để đạp... là những điều mình không thích vì cảm thấy rất mỏi (không được nằm thẳng thoải mái trên mặt nước) mà lại chẳng mấy hiệu quả. Và thế là mỗi khi mang chân nhái, mình toàn phải chui xuống dưới mặt nước cỡ 1-2m để bơi... ... ... cho đến khi TchyA phát hiện ra rằng vẫy chân kiểu cá heo (2 chân vẫy đồng thời như bơi bướm) với chân nhái trên mặt nước hiệu quả ngang ngửa với vẫy chân dưới nước! Điều này đã được các vận động viên vòi hơi chân vịt (finswimming) ứng dụng từ lâu trong các cuộc thi đấu. Và nó cũng đã giúp mình vượt qua được những vùng sóng vỡ (breaker zone) nguy hiểm với những con sóng hung bạo bên trên đập xuống rạn san hô đâm chia chỉa chưa đầy nửa mét ngay bên dưới (ở Cà Ná).
- San hô dọc bờ biển nam trung bộ: Ngoài "thủ đô lặn biển" Nha Trang ra, bắt đầu từ Vĩnh Hảo - Cà Ná trở lên, dọc bờ biển cũng có không ít những rạn san hô đẹp và phong phú. Đó là kết luận mình thu được qua kinh nghiệm khảo sát thực tế của mình và TchyA cộng với khảo sát qua ảnh vệ tinh. Chỉ có điều là những điểm lặn cách xa Nha Trang có nhiều cái bất tiện như giao thông khó khăn, sóng to gió lớn, và thiếu các dịch vụ du lịch. Trong những đường ngoằn ngoèo ở hình bên thì có vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang đã được nhóm lặn đi thực tế, bờ biển từ vịnh Vĩnh Hy (ngay dưới vịnh Cam Ranh) xuống tới bãi biển Ninh Chữ đã được TchyA khảo sát từ 2010, và dưới cùng là bãi biển Cà Ná đã được mình khảo sát trong chuyến đi đầu tháng 8/2012 vừa qua.
- Môi trường lặn: Môi trường lặn ngoài thực tế có nhiều yếu tố gây khó khăn cho người lặn (nhất là lặn vo) rất khác với môi trường nhân tạo như hồ bơi. Về nhiệt độ thì ở ngoài biển thường có các tầng nhiệt giảm dần từ trên xuống. Ở những vùng có dòng chảy mạnh hoặc những lúc biển động thì nước lạnh ở dưới sâu thường bị cuốn lên trên mặt làm cho nước bị lạnh một cách bất thường. Về độ trong của nước thì ở những nơi có san hô nước sẽ rất trong (mặc dù xung quanh có thể rất đục), những vùng cát xốp (hạt to) thì nước trong hơn vùng cát mịn, vùng/mùa lặng sóng sẽ có nước trong (dù cho cát rất mịn như ở Dốc Lết) hơn vùng/mùa sóng lớn. Lặn ở vùng nước đục (nhất là lặn vo) thì nhất thiết phải có phao tiêu và dây tiêu để định hướng ở dưới nước, cần có chuông / ống lắc để liên lạc bằng âm thanh giữa các bạn lặn, và nếu lặn sâu thì cần có đèn lặn. Về luồng lạch thì phải biết rõ và tận dụng các dòng nước gần bờ để lập kế hoạch lặn cho phù hợp. Khi lặn ở bãi biển du lịch thì nhất thiết phải có phao tiêu và cờ hiệu để giảm nguy cơ va chạm với các tàu bè trên mặt nước, nhất là những chiếc mô-tô nước (jet ski) phóng vèo vèo rất khó lường. Về địa hình dưới nước thì ta có thể đoán được thông qua địa hình trên bờ, vì chúng thường có sự tương đồng. Và cuối cùng là kinh nghiệm tìm điểm lặn qua vệ tinh của mình và TchyA thì đã đạt tới giới hạn khi nó không thể cho mình thấy được đáy biển sâu hơn 5 mét. Tuy nhiên từ những bãi cạn và những rạn san hô nước nông ta có thể suy ra phần nào khả năng có san hô nước sâu.
Nơi trao đổi thông tin giữa những người tham gia lặn biển. Là nơi giao lưu tán gẫu của những người quan tâm trò giải trí này
Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012
Những ấn tượng sau chuyến khảo sát biển
Sau chuyến khảo sát gấp vội như "cưỡi tên lửa xem hoa", những ấn tượng đọng lại trong mình bao gồm: khái niệm mới "lặn địa hình", bắt đầu ghiền bơi lặn kiểu cá heo, những rạn san hô trải dài từ Vĩnh Hảo - Cà Ná đến Nha Trang - Vân Phong, và bổ sung nhiều kinh nghiệm về môi trường lặn như nhiệt độ, độ sâu, địa hình, luồng lạch, cách xem ảnh vệ tinh.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
26 nhận xét:
chân nhái.
chân nhái chuyên để lặn sẽ không dùng để bơi được.
nhưng chân nhái bơi, chân nhái quân lực, chân nhái luyện bơi thì có thể dùng để lặn.
HCQuang
Có nhiều thông tin bổ ích, tuy nhiên với lặn vo thì nên thực hành ở những nơi tương đối an toàn và cần có độ sâu, có địa hình thì càng tốt. Nên tránh các dòng chảy, xoáy và nhất thiết phải được luyện tập, chuẩn bị tốt các kỹ năng căn bản và phải có buddies.
Về cái ống thở, tui nghĩ cũng là một trang bĩ quan trọng cần có của free dive. Ống thở giúp ta luôn trong tư thế úp mặt xuống nước (quan sát, định hướng). Sau lần khảo sát Nha Trang, tui quyết định mua cái ống thở cho dân lặn vo (khác với mấy cái snorkel thông thường). Một trong các yếu tố quan trọng của lặn vo là sự thoải mái và thư giãn, ống thở giúp ích nhiều cho ta trong thời gian nghỉ trên mặt nước, nhất là ở ngoài biển, khi không có phao bám hoặc phao tiêu nhỏ.
@Chú Quang: Cháu chưa rõ ý chú về chân nhái bơi và lặn thế nào.
@Chú AMk3: Đúng là ống thở quan trọng cho việc thư giãn nói chung. Nhưng cái gì cũng có ngoại lệ, cũng như việc thích kính bơi hơn mặt nạ lặn, cháu cũng thích nín thở rồi thở trực tiếp hơn thở liên tục qua ống thở! Đó là sở thích riêng của mỗi người thôi.
Còn cái ống thở cho dân lặn vo khác như thế nào thì chắc chú phải giải thích thêm mới hiểu được.
Về nơi nước lặng có độ sâu thì đã có Hồ Đá! ;)
Chú đã qua sử dụng 6 cặp chân nhái, gồm 1 cặp thiết kế chỉ dành cho bơi snorkeling (mái chèo, dài 60cm, nhẹ), 2 cặp chỉ dành cho luyện bơi (ngắn ngun ngủn, nhô ra có vài phân, nhưng lại khá nặng, rất cứng), 1 cặp chỉ dàng cho dân scuba (mái chèo, 60cm, phải đi với bốt, có quai vòng sau gót), 1 cặp "quân lực" (nhô ra chùng 15cm, rất nặng và cứng), 1 cặp dành cho dân Swim (bơi lội) và cho scuba (mái chèo, 60cm, xỏ chân như đi giày). Hiện 3 cặp đã hư hoàn toàn, 1 cặp sắp tới cữ, 2 cặp còn rất ngon.
Lí do chú bị mua nhiều sẽ nói ở dưới đây.
Có lẽ chẳng có ai biết trên thị trường có bao nhiêu loại chân nhái. Mỗi loại, mỗi nhóm chân nhái được thếi kế phù hợp với một loại hình bơi lặn,
tuy chúng không có ranh giới rõ ràng.
Tùy vào loại hình vận động của VĐV, đặc biệt là vào "cá tính", thể chất và khả năng của mình, mà mỗi VĐV sẽ chọn cho mình một/những cái thích hợp.
Chú có nhiều chân nhái chỉ vì ban đầu không biết nên dùng cái nào là thích hợp.
Thường thì:
Nhiều loại chân nhái có quai vòng sau gót, gân cứng, nặng (nếu dài 60cm có thể là 1,3 kí) sẽ chuyên dùng cho scuba. Anh này phải xài kèm bốt. Anh này mà dùng để bơi trên mặt nước sẽ rất cực, muốn gãy cổ chân luôn (loại xẻ hay mái chèo cũng vậy).
Nhiều loại chân nhái xỏ như đi giày, gân hơi cứng, không nặng, thì dùng cho bơi snorkeling, và có thể bơi trên mặt nước nhưng không bằng anh Swim fins chính cống.
Nhiều loại xỏ như đi giày, mái chèo, nặng và gân cứng - nhưng kém anh scuba một chút, thì dùng để Swim nhưng cũng dùng để scuba.
Nhiều loại xỏ như đi giày, cụt ngủn có vài cm, rất cứng và nặng thì chuyên luyện tập bơi (training fins).
Nếu cũng giống training fins nhưng rất mềm và nhẹ thì dùng cho lặn vo cũng tốt, nhưng chắc không bằng loại dài 70cm rồi.
Các loại "quân lực" là kiểu cổ điển, xấu xí, nhưng làm được nhiều việc, tuy xài nó khá tốn sức.
Chưa kể các loại monofin chỉ để lặn và monofin chỉ để bơi chìm.
Ôi, nói chuyện về fins giống như ra làng chài trúng vụ cá vậy.
Đại khái vậy, computerBoy.
HCQuang
ComputerBoy.
Ý chú nói là fins chuyên cho lặn sẽ không phù hợp cho bơi (Swim). Chú không rõ tại sao lại như vậy, tức không phải do chân của cháu có vấn đề khi bơi lội.
HCQuang
Chú Quang, cháu rất thích kinh nghiệm xài 6 cặp fins của chú! Có lẽ chú nên viết một bài về các loại fins khác nhau nhỉ.
Trước hết là chú duyệt lại xem cháu dịch những cái tên tiếng Việt sang tiếng Anh có khớp không nhé: mái chèo = paddle, "dành cho luyện bơi" = swimfins, "có quai vòng sau gót" = open-heel (ngược với "xỏ như đi giày" = full-foot), "loại xẻ" = split fins, "quân lực" = force fins.
Tiếp theo, về tên tiếng Việt thì cháu thấy chắc mình phải cùng nhau đóng góp ý kiến rồi bổ sung vào từ điển thôi. Cháu đề nghị như sau:
Phân loại tổng quát:
- Swimfins: chân vịt, chân nhái bơi (Dân bơi lội gọi là "chân vịt" vì nó ngắn giống chân vịt chứ không dài như chân nhái, nhưng cũng có bất tiện là trùng với "chân vịt tàu thuỷ" là cánh quạt dưới nước.)
- Diving bi-fins: chân nhái (lặn), gồm cả scuba, snorkeling, lẫn freediving.
- Monofin (NO "s"): đuôi cá (Nếu dịch sát từ mono-fin ra thì là "vây đơn", tức vây đuôi của cá. Sai lầm lớn nhất là các bác nhà ta khi du nhập môn finswimming vô đã bê nguyên chữ "chân vịt" trong swimfins sang thành "vòi hơi chân vịt", vừa sai về cấu tạo thiết kế lẫn sai về chức năng và nguồn gốc.)
Chú Quang, trong các cặp chân nhái của chú, cháu thắc mắc không biêt "1 cặp dành cho dân Swim (bơi lội) và cho scuba (mái chèo, 60cm, xỏ chân như đi giày) nó ra sao. Cháu mới mua cặp Reaction Pro được thiết kế đa dụng: snorkeling, freediving, scuba. Nó thực ra thích hợp hơn cho scuba giải trí (chỉ cần đạp nhẹ), và dân lặn vo có kinh nghiệm (đạp hơi nặng chân) chứ không thích hợp cho dân snorkeling (cần nhẹ nhàng thoải mái). Còn về bơi lội (swim) chú nói thì cháu hoàn toàn không biết!?!
Chú Quang ơi, bữa nào chú rảnh, mời chú ra hồ Hàng Không vào 4:30 chiều Thứ 7 để chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Nhóm scuba có 6 người mà chỉ còn mỗi chú là không có đi "phổ cập lặn vo" thôi đó :D!!!
Về thuật ngữ tiếng Anh thì chú không để ý (không rành thì chính xác hơn) nên chú luôn gặp khó khăn khi trao đổi.
Ngoài ra, tụi tây cũng hay sử dụng thuật ngữ theo "luật chung" nhưng cũng hay dùng theo ý riêng của hắn,
ví dụ các tài liệu scuba nói về bình lặn đeo trên người các chú divers, thì có tài liệu viết là Cylinder nhưng có anh lại viết là Tank. Về kỹ thuật, Tank và Cylinder là 2 loại bình rất khác nhau và chịu sự kiểm soát rất khác nhau.
Nhưng (cũng hên) đám divers tiểu tốt vẫn hiểu đúng theo kĩ thuật.
Như chú đã nói, mỗi loại/nhóm chân nhái sẽ được thiết kế ưu tiên cho một trò chơi cụ thể, và không có ranh giới rọ rệt giữa chúng. Do đó, mỗi VĐV sẽ đành phải tự chọn cho mình cái thích hợp với mình. HLV cũng chỉ có lời khuyên chứ không thể chọn dùm cho VĐV được. Chọn không đúng càng nhiều thì số lượng chân nhái trưng bày trong phòng khách càng nhiều.
Chú có một chuyện vui có thiệt 100%:
Cặp chân nhái của chú, kiểu mái chèo, có quai vòng sau gót, dài 60cm, 1,3kg, là do chú nhờ anh bạn ở tận bên Đức mua dùm, với ý định là để bơi trên mặt nước (không để lặn). Có rồi, chú mới ôm ra hồ bơi, đeo vô, bơi. Khỉ thật, không bơi được, muốn gãy cổ chân luôn. Đi bốt hay tháo bốt ... cũng vậy. Nên nhớ vào thời điểm đó chú đã luyện bơi với chân nhái không dưới 1.000km.
Sau 6 tháng sống lay lắt, chú đành gửi Vndive, làm ơn bán dùm tui, chí tính giá bằng 60% thôi. Sau 6 tháng rao bán chẳng có ma nào mua. Người VN thì không thèm, người Tây thì chê quá nhỏ (bàn chân fins đó số 39 châu Âu). Đành ngậm ngùi đem về. Đành dùng để lặn scuba, không lẽ bỏ thùng rác tới 59 đồng bạc châu Âu. Lặn scuba chừng chục chuyến thì thấy tuyệt vời, gặp dòng chảy vẫn cứ đi tới. May quá, hồi đó mà có kẻ nào mua mất, thì mình ... thiệt hại kép.
Cám ơn anh bạn bên Đức, cám ơn các khách hàng của Vndive đã không thèm mua.
5 cặp fins khác của chú cũng đều có lịch sử vinh quang và cay đắng cả. Sung sướng gì đâu mà kể ra đây cho bá tánh họ cười.
HCQuang
Xin góp thêm chuyện chân nhái, cặp fins tui xài lần đầu tiên là khi đang còn là sinh viên, nó bằng cao su đen loại hở gót trông giống thứ dân tech diver hay dùng, hay theo cách nói của bác HCQ là loại "quân lực" khá nặng nhưng xài tốt. Thời đó tui xài chân nhái để bơi thì ít mà chủ yếu để lặn snorkel. Sau khi tốt nghiệp về VN tui tha nó về theo. Năm 75 khi lần đầu về quê ở Nha Trang, tui đã tặng cặp fins cho ông bác của mình, không hiểu sao ổng đang xài fins Mỹ xịn, lại thích cặp fins Sô Viết sù xì của tui. Năm tháng trôi qua, tui đã xài qua đủ các loại fins từ loại bằng plastic cứng đơ, cao su đen nội địa đến loại chuyên bơi của Speedo trong đó cặp mau hư nhất là cặp kiểu mái chèo mua ở Trung Quốc, nhìn rất đẹp mà mới xài 3 tháng ở hồ bơi đã bong hết các mối dán giũa phần "giày" và bản mái chèo. Từ khi bắt đầu lặn scuba, được học hành và tìm hiểu thêm thì tui cũng đã hiểu biết hơn khi cần chọn fins cho mình. Khi mới lặn scuba, tui đã tìm mua cái Reaction Pro (hiện Computerboy đang xài) để vừa có thể lặn scuba, vừa lặn vo nhưng rủi thay ở Scuba Supply Nha Trang khi đó không có hàng Cressi nên tui phải chơi phương án tốn kém là mua cặp Mares Raptor kiểu đuôi cá voi cho scuba và cặp Mares HP cho free dive. Hiện tại cặp fins Gara HF2000 là cặp ưng ý nhất của tui :) Giá nó mềm chút nữa thì tuyệt.
Cháu xin diễn giải thêm ý của ComputerBoy về dùng fins để bơi trên mặt nước. Khi đang mang fins (loại nào cũng được) mà phải di chuyển trên mặt nước, kiểu đạp chân bướm (dolphin kick) sẽ cho hiệu quả nhất và giúp người bơi có thể di chuyển dễ dàng trên mặt mà không cần lặn xuống.
Góp lời bác AMk3.
Ông bác của bác AMk3 hên thiệt. Thứ nhất, fins quân lực là loại đa năng, tuy nó xấu xí, nặng nề và cổ điển. Thứ hai, fins quân lực (và dao người nhái) của Nga sô có tính năng kĩ thuật ưu việt vào hàng đầu thế giới.
Không phải tui "phát minh" ra từ "fins quân lực" đâu. Nhà bác cứ xem các bài viết, lời góp của giới divers sẽ thấy nhiều chiến sỹ xài từ này.
Góp lời ComputerBoy nói về fins: Dưới nước có bao nhiêu loài cá thì trong các chợ bán đồ bơi và lặn có bấy nhiêu loại fins, với những tính năng rất giống nhau hoặc khác nhau (từ một chút cho tới nhiều chút). Với VĐV luyện bơi (thường là bơi đua) thì họ chỉ dùng những loại fins có hiệu suất tối ưu cho bơi hoặc cho luyện bơi. Vì vậy, nếu fins đó "dính vô" chút xíu với môn lặn hoặc môn bơi chân vịt ống thở giải trí là họ không xài được. Cho cũng không nhận. Chính vì vậy cụm từ Diving bi-fins chú rất kiêng kị, vì nó không phân biệt 6 nhóm luyện tập khác nhau, là: luyện bơi, bơi thực dụng, bơi giải trí chân vịt ống thở, bơi thi đấu chân vịt ống thở, lặn vo, lặn scuba. Gộp 6 nhóm này làm một có nghĩa chúng ta đã gộp chừng vài trăm loại chân nhái khác nhau vào một "rổ".
HCQuang
@Chú Quang: Không hiểu sao chú cho rằng "Diving bi-fins ... gộp 6 nhóm này làm một"? Theo giải thích ở trên thì nó phân biệt với swimfins (luyện bơi, bơi thực dụng), và với monofin (bơi thi đấu vòi hơi chân vịt, lặn vo bằng monofin) rồi đó thôi.
Còn về chuyện tập lặn vo ở hồ bơi thì chú cứ tới chơi, có nhiều bộ môn khác nhau mà, đâu chỉ có lặn sâu (deepth) không đâu. Bơi trên mặt nước cũng được, cháu sẽ luyện bơi với chú (lâu rồi toàn lặn, ít bơi, cũng hơi ngứa nghề :D).
Cập nhật thông tin về "san hô dọc bờ biển": Hôm qua tôi đã khảo sát đèo Cù Hin ngay phía trên Bãi Dài và bên dưới vịnh Nha Trang, thấy quả là có san hô, nhưng không phong phú lắm (chỉ cỡ Bãi Nhỏ - Gành Hang ở Phú Quý, kém hơn Cà Ná), và mùa sóng to gió lớn này thì nước đục y như ở Cà Ná. Tuy nhiên, quang cảnh trên bờ của đèo này thì cũng hùng vĩ đấy!
ComputerBoy.
Chú thuộc diện kén chọn hồ bơi (kích thước hồ, chủng loại khách bơi, công tác quản lí), do vậy, chú không khoái kiểu hồ bơi có đầu cạn đầu sâu (như hồ bơi Hàng không). Nếu tới đó, chú chơi, tán dóc với anh em thôi, chứ bơi ở đó không khoái.
HCQuang
@HCQ: Nếu kén chọn hồ bơi theo kích thước thì còn có lý chứ theo độ sâu thì hơi kỳ lạ. Với người bơi trên mặt nước thì khái niệm độ sâu thường không quan trọng nên bơi hồ HK cũng giốn các hồ tiêu chuẩn khác (50mX16M), chỉ có độ sâu không đồng đều từ 1,2 m sâu dần tới 4m theo chiều dài hồ. Có lẽ tại TP HCM chỉ có 2 hồ đạt chuẩn này là CLB Lao Động (Tao Đàn) và TTTT Hàng không.
AMk3.
- Hồ 50m có khúc sâu 1,2m: thì sẽ có cả mớ người đi đứng đặc ngẹt ở đó, bơi tới khúc đó vướng đụng tùm lum.
- Hồ 50m sâu đồng đều 2m, chỉ phân chia 3 luồng giữa (ví dụ hồ Miếu nổi): khách bơi cứ chui qua chui lại làm mình (bơi ở 1 trong 3 luồng giữa) bị đụng hoài, có bữa bị đụng đầu xây xẩm mặt mày.
- Hồ 50m sâu đồng đều 2m, chia đủ 8 luồng: bơi ở đây đỡ nhất, ít bị người khác đâm vô mình. Nhưng nhiều khi khách bơi bám đầy 2 đầu bể bơi, mình bơi tới họ không thèm né ra cho mình chạm tay vô thành bể, thành thử cũng buồn.
- Cuối cùng tui chọn hồ bơi sâu đồng đều + khách bơi đa số là dân luyện bơi (chứ không phải là dân bơi chơi) + giờ bơi oái ăm (có ít người bơi).
Nói chung là tui thích bơi ở hồ bơi Mỹ, Úc. Họ bơi đúng luồng, đúng chiều, trong luồng phù hợp với tốc độ bơi của họ. Rất tiếc ở vn KHÔNG CÓ.
HCQuang
AMk3.
À, thế này có lẽ ông hiểu: tui cần một bể bơi dài 50m và sao cho tui có thể bơi một mách 2.000m trong khoảng 45 phút, mà không bị người khác đụng bể đầu hoặc bị một tên bơi ếch đạp cho một phát vào hông đau điếng. Tất nhiên là tui bơi đúng luồng theo luật đi bên tay phải và tất nhiên mọi người cũng phải bơi đúng luật tay phải.
HCQuang
Cháu nghĩ văn hóa giao thông cũng phản ánh một phần nào đó trong hồ bơi. Đồng ý với chú Quang là bơi ở những hồ có quá nhiều người tập trung ở 2 đầu, lâu lâu lại có người xẹt ngang qua lại, bơi không theo luật lệ, tốc độ quy định thì sẽ rất khó chịu.
Tuy nhiên có một lần cháu đọc một bài viết về bơi open water, kỹ năng quan sát và né tránh chướng ngại vật trong khi bơi cũng rất quan trọng. Cháu nghĩ bơi ở hồ bơi VN thì mình nên thích nghi và xem đó là cơ hội để tập bơi open water vậy :D
Chú Quang, ý tưởng của TchyA cũng hay đó. Hồi bên Nhật, nhờ người ta có "trật tự giao thông" nên cháu có cơ hội tập trung luyện kỹ thuật rất tốt. Lúc đó thì chỉ cần nhìn lằn kẻ dưới đáy hồ mà bơi thôi, chẳng phải "quan sát giao thông" gì hết. Thoải mái đến độ bị người khác vượt cũng là một điều khó chịu (luật hồ bơi là không vượt, nhưng 2 người bơi đường trường mà lệch tốc độ thì vẫn không tránh được phải vượt).
Nhưng khi ra biển bơi thì hoàn toàn khác, phải quan sát các mốc địa lý, và chiến đấu với sóng. Cháu nghĩ sau khi đã luyện kỹ thuật tốt rồi, mình cũng nên tập cách bơi ở vùng hỗn tạp.
Chú bơi biển thì thoải mái rồi, kể cả lúc biển động chút đỉnh, cứ canh hướng mà bơi (tuy kiểu bơi trườn sấp của TK21 luôn luôn úp mặt), chỉ việc coi đồng hồ và làm một mách đi 1.000m, về 1.000m, miễn đủ 45 phút, chẳng bị tên nào đạp vào sườn/húc vào giữa đầu. Đi ngược dòng chảy thì tăng "ga". Bữa nào hứng bất tử thì đi đúp, về đúp, thời gian đúp, ăn cơm cho nó ngon. Bơi đủ "định mức" rồi thì vui nhất là vớ được dòng Rip (Vũng tàu nhiều chứ Nha trang thì "bói" không ra), thả cho trôi ra biển, đỡ phải cụ cựa (chú lười vận động đâm ra tệ quá).
Chú bơi rất đúng luật giao thông, né tránh hoặc vượt qua các "phương tiện tham gia giao thông" cũng điệu nghệ, đúng phép tắc, nhưng,
y hệt như trên đường phố VN, có tên đột nhiên cắt ngang luồng, đi trái chiều, đi giữa tim đường... Chú già rồi, bị đâm vào đầu là xây xẩm, chìm nghỉm một lúc.
Có nhiều cách thích ứng (mà hồi chú còn bận rộn công việc vẫn làm), nhưng chú chọn cách mà trong 10 năm gần đây chú đang "xài": chọn hồ bơi có tỷ lệ khách luyện bơi cao, có nhân viên và người quản lý biết "động não, chịu cực", giờ bơi ít khách nhất (ví dụ từ sau 12g30 tới trước 15g).
HCQuang
Ô, dở quá, xem lại lời góp mới thấy lời góp của chú dường như có nét khoe khoang "thành tích". Không xóa được rồi.
HCQuang
Chú Quang không phải ngại, mình có sao nói vậy, có gì mà khoe khoang. Hồi đó ở Nhật, cháu cũng xuống hồ bơi là làm một dây: khởi động trên bờ, đi bộ dưới nước, bơi ếch vài vòng, bơi trườn sấp 1000m, bơi thư giãn vài vòng, thỉnh thoảng vỗ vài cánh bướm cho nó dẻo người, lên ngâm nước nóng (zakuji) rồi về, riết thành thói quen cứ thế mà làm chẳng phải suy nghĩ nữa.
Nhưng bơi biển ở cự ly ngàn mét thì cháu chưa thử, vì ngại nhứt là cái vụ "định hướng" mà chú nói. Cháu bơi được vài sải là lệch hướng nên cứ phải ngoái đầu lên "dòm đường", thấy rất mỏi cổ. Chú Quang có bí quyết nào không, chỉ cháu với!
1. Ý chú nói là xóa một vài chữ thôi, chứ không hủy toàn bộ (đang tính khoe khoang mà xóa hết thì ... hết).
2. Bơi sải có cái dở là không được góc đầu lên, nên không định hướng được. Để đi đúng hướng thì phải:
- Hồ bơi: Luyện bơi sao cho phải cân bằng, tay/chân phải và tay/chân trái phát lực bằng nhau, quỹ đạo giống như nhau.
Cơ thể phải thật thẳng hướng tiến, khoan xoáy phải cân bằng. Nếu được thế thì sẽ tiến thẳng, không lệch hướng.
Lúc mới tập thì phải ngó xuống vạch chuẩn dưới đáy bể để chỉnh hướng, sau quen rồi thì khỏi cần (lâu lâu coi lại một chút là OK).
- Trên biển: cơ thể cần cảm nhận được tốc độ dòng chảy (ngang), độ đẩy (ngang) của sóng để điều chỉnh góc tiến.
Thường ta bơi ra xa bờ chừng một vài trăm mét, rồi tiến hành bơi tới/lui song song với bờ biển.
Nếu trên hướng tiến có vật chuẩn, như mỏm núi, đám mây bông không chuyển động (trời lặng gió), giả sử nó lệch với hướng tiến là 30 độ, thì dựa vào đó mà tiến lệch 30 độ. Cứ một/vài chục nhịp quạt thì ngóc lên xem chừng (đành vậy thôi).
Nếu dọc bờ biển có nhà cửa, cây cối liên tiếp, thì lúc cơ thể (và đầu) xoay nghiêng về phía bờ thì "đo" cự li luôn.
Lượt về cũng vậy.
-Nếu trên biển không có bất kì vật chuẩn nào, bờ cũng chẳng thấy, thì bơi thiệt lâu cũng sẽ thành bơi vòng tròn thôi.
- Ở hồ bơi mà bơi một mách được 2.000m, thì ra biển sẽ bơi được 2.000m hoàn toàn thoải mái. Còn nếu chỉ bơi xuôi dòng chảy thì được ... gấp 4 lần.
- Cái khó nhất trên biển là "chế độ" cứu hộ. Mình bơi với bạn nhưng anh ta bơi kém hơn thì không có ý nghĩa về cứu hộ (cho mình). Thường các VĐV bơi biển sẽ nhờ 1 thuyền nhỏ chèo theo để coi chừng.
Chú không có bạn bơi và thuyền nên đành bơi một mình vậy. Cứ nhắm chừng mình "ngon ăn" 4km thì bơi 2km thôi. Bớt phân nửa là chắc ăn rồi.
Bơi hồ chú cảm thấy là mình luyện bơi nên cũng phải "nhiệt tình", còn khi bơi trên biển chú cảm thấy mình là một đám mây trôi lững lờ, gió thổi trôi đi chứ nó chẳng tốn công tốn sức gì, nên cự li không phải là tiêu chuẩn phấn đấu.
HCQuang
Hèm, vậy là chiều Chủ Nhật đã có trò chơi rồi :D Bãi biển Nha Trang dài, thẳng, lặng sóng là điều kiện quá tốt cho bơi lội, chú Quang nhỉ! ;)
Đăng nhận xét